Trong khi đa số bệnh nhân ở các địa phương khác vẫn thường hay vượt tuyến để khám và điều trị bệnh dù tốn nhiều chi phí hơn, thì hầu hết người dân ở huyện Tư Nghĩa vẫn chọn Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện để khám và điều trị bệnh cho mình.
Đảm nhiệm chức năng bệnh viện… tuyến tỉnh
Dạo một vòng qua các khu vực chạy thận nhân tạo, hô hấp, đến hồi sức cấp cứu, chúng tôi cảm nhận bệnh viện thật sạch sẽ, mát mẻ. Bệnh nhân Trương Văn Anh ở thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương đang điều trị bệnh hen suyễn, cho hay: “Ngay từ ngày đầu vào viện, các y, bác sĩ nơi đây rất nhiệt tình. Về vệ sinh thì khỏi nói, ngày nào cũng có người lau chùi dọn dẹp, phòng sạch sẽ, thoáng mát lắm. Tôi đã đến bệnh viện này 5 lần, nhưng lần nào cũng an tâm”.
Các y, bác sĩ BVĐK Tư Nghĩa luôn túc trực, khám và chăm sóc bệnh nhân kịp thời. |
Khoa chạy thận nhân tạo cũng được đầu tư bài bản, sạch sẽ. Trong phòng được bố trí 3 máy chạy thận nhân tạo, tủ lạnh trữ máu, máy đo độ đông máu, máy phân tích sinh hóa tự động… Các bệnh nhân đang được các bác sĩ theo dõi chạy thận chuyên nghiệp, chẳng khác gì khoa chạy thận tuyến tỉnh. Bệnh nhân Nguyễn Thanh An (Mộ Đức), cho biết: “Nhà ở xa, mỗi khi đến kỳ chạy thận là lo ngại. Bởi BVĐK tỉnh thì quá tải, gia đình phải đưa đi TPHCM để chạy thận. Mỗi lần đi vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian. Kể từ ngày BVĐK Tư Nghĩa có máy chạy thận, gia đình đỡ tốn kém hơn nhiều”. Còn bệnh nhân Đặng Thị Thanh Phương (Sơn Tây) và 8 bệnh nhân các huyện khác cũng có cảm nhận như bệnh nhân An.
Theo BVĐK Tư Nghĩa thì, hiện bệnh viện có khoảng 14 bệnh nhân trong và ngoài huyện đăng ký chạy thận nhân tạo.
Theo Giám đốc BVĐK huyện Tư Nghĩa Phan Minh Đan thì, chức năng chạy thận thuộc bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng trước nhu cầu thực tế bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận mãn tính ngày càng nhiều, trong khi bệnh viện tuyến tỉnh không đáp ứng đủ, dẫn đến quá tải. Nhiều người nghèo phải đăng ký tại các bệnh viện ngoài tỉnh để chạy thận, vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian đi lại. Năm 2013, bệnh viện đã mạnh dạn nhận sự tài trợ từ Dự án hỗ trợ y tế duyên hải Nam Trung Bộ đầu tư về máy chạy thận, các thiết bị phụ đi kèm và hệ thống giường, máy phục hồi chức năng. Để sử dụng tốt chức năng hoạt động của thiết bị này, bệnh viện đã điều các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi học nghiệp vụ chuyên môn. Hiện nay, mỗi tuần bệnh viện chạy thận cho 36 lượt người, qua đó giảm áp lực cho Khoa thận nhân tạo- BVĐK tỉnh.
Điểm tựa của bệnh nhân
BVĐK Tư Nghĩa hiện có 13 khoa, phòng, với 150 giường bệnh. Đội ngũ cán bộ nhân viên y tế có đến 150 người, nhưng chỉ có 16 bác sĩ. Để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh, bệnh viện thường xuyên cho nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y, bác sĩ. Ngoài ra, bệnh viện còn lần lượt đầu tư các thiết bị y tế hiện đại như máy xét nghiệm, máy siêu âm đen, trắng, màu và chụp X quang… để hỗ trợ công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Ông Phan Minh Đan – Giám đốc bệnh viện tự hào, phải nói rằng để bệnh nhân tin tưởng vào bệnh viện, yếu tố quan trọng là cung cách, thái độ phục vụ bệnh nhân. Hằng ngày có từ 400 – 650 người đến bệnh viện khám và điều trị.
Để tạo được niềm tin này, bệnh viện luôn quán triệt, tập huấn trong mỗi cán bộ y tế, nắm vững phương pháp, tâm lý, khám bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân. Quy trình khám bệnh được rút ngắn, hạn chế thời gian bệnh nhân chờ. Công khai số điện thoại đường dây nóng… Bệnh viện luôn đưa ra mục tiêu là lấy bệnh nhân làm trung tâm. Vì vậy, khi tiếp xúc với bệnh nhân, cán bộ y tế nơi bệnh viện phải nhẹ nhàng, chia sẻ tâm tư, ân cần, chăm sóc chu đáo… Những tiêu chí này đều đưa vào bình xét thi đua, khen thưởng hay kỷ luật khi cán bộ vi phạm.
Sự nhiệt tình trong công việc, thái độ phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo, tấm lòng của các y, bác sĩ BVĐK Tư Nghĩa đã để lại niềm tin yêu cho nhân dân trong huyện và các huyện lân cận. Phó Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa Võ Văn Tiết, nhận xét: “BVĐK huyện đã có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tinh thần y đức của bán bộ, nhân viên từng bước tạo niềm tin cho nhân dân đến khám và điều trị bệnh. Cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư hiện đại, xứng tầm, và nhiều khoa vượt tầm tuyến huyện. Đặc biệt, khoa chạy thận nhân tạo đã giúp khá nhiều bệnh nhân trong huyện và các huyện lân cận chạy thận kịp thời, giảm áp lực đưa lên tuyến trên”.
Bài, ảnh: MAI HẠ