Hiện nay, dịch vụ nấu đám, tiệc được nhiều người dân tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Tư Nghĩa nói riêng lựa chọn khi tổ chức tiệc tùng, đình đám…do sự tiện lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi đó, dịch vụ này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, ngày 12/7/2019 một gia đình tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đám cưới cho con. Đã xảy ta vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 73 người phải nhập viện để điều trị. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây vụ NĐTP là hành phi và tôm được rải trên món xôi đều có vi khuẩn tụ cầu vàng vượt ngưỡng 1,1.104 MPN/g. Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với nhà hàng H.Q. – nơi nấu đám cưới gây ra ngộ độc tập thể trên[1].
Cũng vào ngày 13/7/2019, tại tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra hai vụ NĐTP tại huyện Buôn Đôn và Krông Búk, khiến hơn 300 người phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 16/7/2019). Qua kiểm tra đột xuất hai cơ sở tổ chức phục vụ tiệc cưới trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm: Không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu, không có hóa đơn chứng từ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm…, một cơ sở lưu mẫu thực phẩm không đúng với quy định (lưu mẫu thực phẩm sống). Đoàn đã yêu cầu hai cơ sở tạm ngừng sản xuất, chế biến kinh doanh đến khi có kết quả xử lý cuối cùng của vụ việc[2].
Do đặc thù của dịch vụ là nấu ăn lưu động, không có địa điểm cố định, các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc, trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn. Theo đó chủ các cơ sở cần thực hiện đúng Luật an toàn thực phẩm (ATTP), Nghị định 67, Nghị định 15, Nghị định 155 của Chính phủ về quy định điều kiện chung bảo đảm ATTP. Chú ý đến nguồn gốc thực phẩm cần có xuất sứ rõ ràng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ cũng như phương tiện vận chuyển đảm bảo ATTP, lưu mẫu thực phẩm đúng theo quy định và đặc biệt người thực hiện chế biến cần đảm bảo đúng quy trình vệ sinh tay, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, khi bị viêm đường hô hấp cấp tính, các tổn thương ngoài da nhiễm trùng…thì ngừng tham gia chế biến thực phẩm.
Để đảm bảo công tác ATTP thì tháng 6 vừa qua, khoa ATTP & DD – TTYT huyện Tư Nghĩa cũng đã thực hiện Kế hoạch tập huấn kiến thức ATTP cho các cơ sở thuộc loại hình dịch vụ nấu đám, tiệc trên địa bàn quản lý và sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở này. Phối hợp với Đài phát thanh địa phương tuyên truyền quy định của pháp luật về ATTP.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, mà cần tích cực giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh những hành vi vi phạm về ATTP để phòng ngừa NĐTP.
1. Nhật Linh (2019), 73 người nhập viện do món xôi tiệc cưới bị nhiễm khuẩn, Website: Báo Tuổi Trẻ, cập nhật ngày 17/7/2019, truy cập ngày 22/7/2019, tại trang web http://www.tuoitre.vn.
2. H.L (2019), Vụ 300 người ngộ độc tại Đắk Lắk: Cơ sở nấu ăn bị ngừng hoạt động, Website: Báo Lao Động, cập nhật ngày 16/7/2019, truy cập ngày 22/7/2019, tại trang web http://www.laodong.vn.
Văn Ty