Rate this post
(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh thận mạn là một trong những biến chứng mạch máu nhỏ do bệnh đái tháo đường. Ước tính khoảng 40% số người bệnh đái tháo đường tuýp 2 có biến chứng thận. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh thận mạn giai đoạn cuối và phải lọc thận.

Nguyên nhân dẫn đến biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao, kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu. Từ đó, chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần gây ra suy thận giai đoạn cuối. Hầu hết những triệu chứng bệnh thận do đái tháo đường thường diễn ra rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan, không thăm khám nên biến chứng thận do đái tháo đường thường phát hiện vào giai đoạn muộn và gây khó khăn cho việc điều trị.

Bác sĩ Đặng Văn Điểm (Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa) khám và tư vấn điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nội tiết Đặng Văn Điểm – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, biểu hiện của bệnh thận mạn ở bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Vì vậy, triệu chứng sớm nhất được phát hiện khi tổng phân tích nước tiểu ghi nhận có sự xuất hiện đạm (Albumin) ít nhất 2 mẫu trong vòng 3 tháng.

Đường huyết tăng cao dẫn đến lượng máu đến thận lớn, thận phải lọc máu quá mức. Sau thời gian dài làm việc trong tình trạng quá mức hệ thống lọc bắt đầu bị phá hủy, các lỗ lọc trở nên to hơn dẫn đến nhiều protein bị lọt ra ngoài. Lúc đầu, protein xuất hiện trong nước tiểu một lượng rất nhỏ, nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này thì rất có hiệu quả, chức năng thận sẽ không bị giảm. Nếu để muộn các tổn thương thận ngày càng nặng hơn, hậu quả có nhiều protein niệu lọt ra nước tiểu, chức năng thận suy giảm dần. Cuối cùng thận bị mất hoàn toàn chức năng gọi là suy thận giai đoạn cuối.

Bác sĩ Đặng Văn Điểm khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường là cần tuân thủ điều trị. Chú ý kiểm soát tốt đường huyết mục tiêu, kiểm soát huyết áp, mỡ máu, ăn hạn chế muối và định kỳ kiểm tra chức năng thận để điều chỉnh phác đồ điều trị thích hợp, nhất là trong việc lựa chọn thuốc hạ đường huyết và thuốc hạ huyết áp.

Biến chứng thận do bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường huyết; cần kết hợp các biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Nên tầm soát bệnh thận ngay từ khi chẩn đoán đối với đái tháo đường tuýp 2 và sau 5 năm đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, trường hợp nặng cần được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa thận, định kỳ tái khám hằng tháng để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn: https://baoquangngai.vn/suc-khoe/202311/phong-bien-chung-than-do-dai-thao-duong-ce31025/?gidzl=DrhvR3aMCmmmGF1iC04w3Zz9_sie0syD8qt-Q29JFGOjIAbaBGDlLoDC-sSh03u881sfFpCvUF9MF1Gu30