Sau nhiều ngày điều trị cả 3 người trong cùng một gia đình ở Quảng Ngãi đã tử vong do ngộ độc nấm quá nặng.
Ngày 6/5/2020, trên trang điện tử của báo nhân dân nhandan.com.vn đưa tin Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà nẵng đã tiếp nhận và điều trị cho 3 người trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm sau khi hái nấm có màu trắng từ rẫy vừa mọc sau mưa để về chế biến món ăn. Cả 3 bệnh nhân trên cư trú tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi điều tử vong sau thời gian điều trị. Để kịp thời phòng chống ngộ độc nấm, Trung tâm Y tế Tư Nghĩa lưu ý người dân một số nội dung sau:
– Không nên hái nấm hoang dại, sử dụng nấm không rõ xuất sứ, nguồn gốc để ăn.
– Cần bác bỏ một số quan niệm sai lầm sau đây:
Nấm độc tán trắng Nấm độc trắng hình nón
+ Nấm độc thường có màu sặc sỡ. Điều này sai. Ví dụ: Loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón).
+ Nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Hoàn toàn sai. Độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.
+ Thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật.
+ Thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc. Điều này sai. Độc tố nấm không làm bạc chuyển màu [1].
– Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như nôn, buồn nôn, đau bụng, đi cầu phân lỏng… cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Khi đi, mang theo mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn được chế biến từ nấm để sơ bộ xác định loại nấm để công tác cấp cứu và điều trị được thuận lợi hơn.
[1] Trích“Hướng dẫn chẩn đoán và xử lý ngộ độc” Ban hành kèm theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bs. Nguyễn Văn Ty – Khoa ATTP & DD