Thời tiết nắng nóng mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ Ngộ độc thực phẩm(NĐTP), bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao.
Thực hiện công văn 182/CCATTP-NV của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi về việc tăng cường công tác phòng chống NĐTP trên địa bàn. Vào ngày 18/5/2021, trên địa bàn huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ghi nhận 01 vụ NĐTP 26 người mắc nhập viện điều trị. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân trên nghi do ăn bánh mì cơ sở bánh mì T.P (thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn).
Trước tình hình trên và trong điều kiện thời tiết nắng nóng thực phẩm dễ hư hỏng gây ô nhiễm, nhằm chủ động phòng chống NĐTP và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Khoa ATTP – TTYT Tư Nghĩa hướng dẫn cơ sở, người dân đảm bảo ATTP như sau:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố:
Cần tuân thủ quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản và phân chia thực phẩm đảm bảo an toàn; Quản lý chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, cách bảo quản và sử dụng nước đá viên đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, cơ sở lưu động như xe bánh mì…cần lựa chọn vị trí có môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn được bảo quản trong các tủ kính, vệ sinh của người bán, người chế biến đảm bảo…
Người dân:
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được, nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, không sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.
Khuyến cáo thực hiện: 10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm:
1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.
2. Nấu chín kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay sau khi nấu.
4. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C (ngăn mát tủ lạnh). Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn sống, bề mặt bẩn với thức ăn chín.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác như đi vệ sinh, tính tiền…
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Bs. Nguyễn Văn Ty